Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

VỤN CẢM khi đọc tập "Ghé lại trần gian" của Phù Vân Đặng Cước




Tôi vốn vô duyên với thi ca. Chẳng thể cất bút viết nổi một câu thơ cho ra hồn cũng không thể thẩm bình một hình ảnh thơ cho ra vẻ cho nên tôi cũng quyết vô tình với thơ ca. Thỉnh thoảng trong sự nọ cuộc kia ngẫu nhiên hay hữu ý phải chịu một trận thơ bản thân thường lấy làm khổ sở vì những tấm lá chắn tự tôn đã bị thơ công phá không thương tiếc để lộ ra một tôi văn xuôi thô nhám, yếu ớt hoàn toàn bất lực trước thứ nghệ thuật ngôn từ tế vi này.
Rồi tôi đọc thơ anh và ngạc nhiên nhận thấy mình cũng có thể đọc thơ và có thể thích thơ. Thơ anh giản dị, tự nhiên đến độ nhiều bài mang lại cho ta ấn tượng thi sĩ đang ngắt khúc chuỗi lời nói hàng ngày mà đặt lên trang giấy theo một thể thức riêng để tạo hình cho thi phẩm. Hãy thử đọc một bài thơ như thế:
Ghé chùa ngủ một giấc
Thức dậy thầy đâu mất
Về không biết chào ai
Gật đầu chào ông Phật
Nhưng đó là cái giản dị của một người đã chứng đắc quy luật nhân sinh, quy luật thẩm mỹ tưởng phức tạp mà kì thực rất giản đơn của cõi người. Và cũng bởi nắm được quy luật nên tất yếu Phù Vân có tự do để ung dung tung hoành vung bút trên đủ các đề tài từ chuyện hoa lá cỏ cây đến chuyện con ị vợ lo mà con chữ vẫn không bợn một chút dung tục.Người xưa nói "Công phu của thơ là ở ngoài thơ" (Lục Du) phải chăng chính là như vậy?
Tôi thích những bài thơ tứ tuyệt của anh, xinh xắn như những bài Haiku hàm súc, ngôn từ trong sáng mà minh triết, có khả năng động thấu đến miền suy tư, cảm xúc của người đọc. Chất Thiền có lẽ là ấn tượng đậm nét nhất của tôi về thơ anh, nhưng phong vị Thiền trong thơ Phù Vân khác rất xa với cái chất Thiền tịch lặng trong "Con quạ"  của Basho mà gần hơn với ý vị Thiền phảng phất mùi đời, nồng nàn hương vị cuộc sống trong thơ Buson. Không gian trong thơ cũng có khi là không gian của chùa chiền nghi ngút khói hương, của vườn cây xanh cành đỏ lá nhưng nhiều nhất là không gian sinh hoạt với đủ chuyện tương cà mắm muối của cuộc sống đời thường nhưng dù có thế nó vẫn toát lên ý vị Thiền đặc trưng qua cái thung dung thư thái toát ra từ tâm thế của người thơ. Ngày ngày giam hãm đời mình trong một việc cỏn con mà chán ngắt với bất cứ người nào - hốt cứt con mà nhà thơ vẫn thấy:
Ngày ngày hốt cứt con
Mùi thúi hóa thành thơm
Thời gian giam hãm đó
Đời mình như cỏ non
 Đọc tập thơ, chúng ta bị cái tôi thi sĩ hấp dẫn ở sự hòa phối hai trạng thái tưởng chừng rất trái ngược này: một cái tôi đã thấu thoát được quy luật nhân sinh nên bình thản vượt lên trên sự thế mà quan sát với nụ cười nửa miệng và một cái tôi thích thú lặn ngụp hết mình trong tất cả những thanh sắc của cõi vô thường. Mà trạng thái nào cũng được nhà thơ đẩy lên đến độ cực đoan. Và có lẽ chính cái chất cực đoan ấy làm nên một Phù vân tài hoa trong lòng bạn yêu thơ anh.
Ngày xưa, nhà thơ của thành Đồ Bàn Chế Lan Viên từng nói" làm thơ là làm sự phi thường", tôi không biết Phù Vân đã làm được sự phi thường ấy chưa nhưng nội một việc thi sĩ đã đủ sức thơ hóa được cả những câu chuyện đời thường nhỏ nhặt ấy thôi thì quả đã là một sự phi thường rồi vậy.
Và thưa người bạn yêu thơ và tò mò về người thơ, tôi xin chép tặng bạn một bài trong tập mà từ "Phù Vân ý, Cuồng Từ thi" đến tùy hứng bạn hữu đều khiến tôi thích thú:










Sông sâu giờ cạn nước
Đâu còn thuyền ngược xuôi
Cỏ hoang tràn khắp lối
Người cũ luống ngậm ngùi
( Phù Vân ý)
Sông sâu giờ cạn nước xưa
Còn đâu xuôi ngược nắng mưa với người
Cỏ hoang tràn lấp nỗi niềm
Có hay người cũ muộn phiền bể dâu
( Cuồng Từ thi)
Bến xưa vàng kỉ niệm
Sông khô thuyền về đâu
Lối buồn hoang cỏ dại
Mây trôi bạc mái đầu
( Lê Vũ tùy hứng)
 The deep river is no more full of water
No more boats rowing up and down river
Everywhere is full of wild grass
How melancholy I feel like a stranger
( Võ Chí Hiền dịch)
                                           
Bạn của tôi, có phải bạn cũng thấy đượm mùi "Sông Lấp"?

                                                                        Miêu Nữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét