Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2016

MỘT CÁCH ĐỌC THƠ ĐẶNG CƯỚC





“Nhớ xưa đã một thời đèn sách
Đeo đuổi tang bồng lỡ mất hoa”

Một thi sĩ đã thố lộ như thế. Hắn ta đã đánh mất một phần đời mình để tô son trát phấn cho cái sự nghiệp văn thơ của mình. Để làm chi? Ai biết! Nhưng đây không phải là trường hợp của Đặng Cước. Thường ví mình như chiếc đàn tâm hồn sẵn sàng rung cảm trước bất kỳ một ấn tượng nào dù là nhỏ bé hay đơn điệu đến đâu. Hơn thế nữa, tôi nghĩ Đặng Cước còn có trái tim của mình, một trái tim rất nồng ấm và sung mãn; biết trải rộng mà cũng biết thu hẹp, có thể ví như một mặt hồ lai láng, là nơi hội tụ của từng hạt sương trong trẻo hay những ánh hồng ban mai rạng rỡ tha hồ chen chúc khuấy động. Nhưng tưởng có lúc Đặng Cước đã tơi tả phờ phạc đi theo những khuấy động của cuộc đời...  
Nhưng không, bằng nghệ thuật riêng biệt của mình Đặng Cước đã biết cách bắt và đã bắt được những tinh túy nhất trong muôn cái nghiệt ngã của cuộc đời. Ta có thể ghi nhận ở đây “cái chất thơ” của anh.
Ta cũng có thể ghi nhận ở đây một con người Đặng Cước đã chiến thắng. Anh đã tìm thấy sự bình thản – tuy tôi chưa xác định được mức độ của sự bình thản của anh đến đâu – giữa cái không khí nặng mùi bon chen đang vây quanh, thậm chí đang chiếm cứ cả đầu cổ Đặng Cước. Phải nói thêm rằng qua mấy chục vần thơ này Đặng Cước đã xác định được vị trí của mình trong cái vũ trụ không cùng mà nhỏ bé như anh đã quan niệm. Và từ vị trí này anh đã vươn lên, nếu kiên trì như ý tưởng trong bài thơ “Phá núi” thì chắc chắn Đặng Cước sẽ đạt được “cái vinh quang trọn vẹn” mà đối với bao kẻ khác đó là một ước mơ miên viễn.

Xuân Phong, ngày giỗ ngoại đầu tiên, 1981
Lê Sáu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét