Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

gầy độ rượu văn

27 Tháng 10 2013 lúc 11:58
1.
Từ ngày xưa (trước 1982), nhóm Vườn Hoa Lạ ở Nha Trang, đã bày trò “xuất bản” mấy tập văn thơ của anh em trong nhóm (gọi là lưu hành nội bộ bằng hữu).

Ban đầu, viết tay, tự vẽ bìa, tự minh họa (nghĩa là độc chỉ có một bản). “Nhân tài như lá mùa thu”, nhiều tay viết chữ, vẽ tranh đẹp, “đa ni năng”, ngoài tài văn thơ còn kiêm cả họa sĩ, thư họa gia, thư pháp gia…

Ghi trên bìa Nhà Xuất Bản Vườn Hoa Lạ.

Đến năm 1996, có bước ngoặt lớn, tập Thơ Phù Vân Đặng Cước ra đời, in ấn đàng hoàng do Phượng Hồng trình bày và giới thiệu.

Bẵng đi một lúc lâu, mãi tới 2007, có ông Nobita thò mặt ra, làm siêng biên tập, phong trào xuất bản được “phục hồi”. Từ đó đến nay, năm nào cũng có vài đầu sách.

Lúc này, vật đổi sao dời, người còn kẻ mất, lưu lạc giang hồ đây đó, những khuôn mặt trành Vườn Hoa Lạ còn hay gặp nhau là: Phù Vân, Phù Trầm, Đồng Thuyền, Phù Du, Cuồng Từ, Trường Linh Giang, Phù Giang, Phù Thủy, Bạt Gió, Yên Hồng, Phượng Hồng, Quỷ Tịnh.

Và có thêm một số anh em mới.

Dẫu trên một số tập văn thơ, không ghi tên nhà xuất bản (hình như còn e ngại điều chi?), nhưng mọi người vẫn thấy tinh thần của Vườn Hoa Lạ ngày xưa.

Thú vị nhất, khi in sách xong, chủ nhân phải gầy một độ nhậu để ra mắt bà con. Đã thành lệ, anh em đều nhiệt tình tham gia bữa nhậu đó, trước được xem tác phẩm của bạn (thời viết tay), hay có sách tặng mang về (thời in ra nhiều bản), sau là gặp gỡ bù khú. Những bữa nhậu thường ngày, khó mà tụ hội được chừng đó anh hào!

Ngày xưa, nhậu rượu “nội bộ tại gia”, ăn chơi ngã ngớn suốt đêm, nào văn nào thơ nào nhạc nào họa hết ông thần đèn này tung chưởng, đến ông thần nước mặn kia ra chiêu. Tới sáng hôm sau, tác giả mắt nhắm mắt mở đi tìm tác phẩm “độc bản” của mình, đôi khi thấy nằm tơi tả trong một xó, chữ nghĩa nhòe nhoẹt, không gắt mùi rượu thì cũng khắm mùi nước mắm xì dầu (!).

Ngày nay, những buổi ra mắt sách được tổ chức đàng hoàng hơn, được chuẩn bị cẩn thận hơn, tính văn nghệ cũng điềm tĩnh hơn.

2.
Một vài nét ghi lại những buổi gầy độ rượu văn thơ mà mình có mặt.

Bên Đời (2007) của Phù Vân, được tổ chức tại nhà hàng Thờn Bơn (KS Yasaka), tác giả trịnh trọng đặt tác phẩm mình trong những phong bì màu vàng, mỗi lời đề tặng là một bài thơ 4 câu.

Chắp nhặt dông dài (2008) của Trần Thanh Cường tại quán Mười Dung, quán này chuyên món dê. Quần hùng hạn hẹp trong vòng hơn mươi người. Thực hiện tập này rất vui, rất hứng, từ việc đặt tựa, viết bài, in ấn gần như bí mật với tác giả đến giờ phút cuối cùng. Bữa nhậu trong một số ít anh em cực kỳ hiểu nhau nên tâm trạng đầy hứng khởi, có lúc quá đà khiến một tập sách bay vào đĩa cà ri ướt mem. Lần này có món khuyến mãi bằng tập văn mỏng của Cường ghi lại chân dung bạn bè, tựa là Chuyện Nhà Cưu, rất ấn tượng.

Đi Và Trở Về (2009) của nhiều tác giả, làm sau khi Phù Vân qua cơn bịnh nặng trở về, với nhân vật chính là Ái Thúy – phu nhân bịnh nhân, kể về những ngày cùng phu quân vượt ải tử thần. Ra mắt ở nhà Phù Vân, nhân vật chính uống nước suối thay bia, người hốc hác nhưng thần sắc đã hồi phục. Cuốn này hình như được Phù Vân tự tái bản liên tục, có vẻ đắt khách.

Năm 2010:

Hạnh Ngộ của Trần Đình Ký gần như là toàn tập thơ nhạc của anh. Buổi ra mắt tổ chức tuốt trong xứ rẫy Đồng Bò, dưới tán nhà xập xệ, bàn ghế liêu xiêu và tiếng đàn guitar với giọng ca của chính tác giả. Toàn các bậc trưởng thượng đầu bạc, chỉ có ông Nobita là trẻ nhứt!

Nhớ của Hoàng Quý và Những Gì Còn Lại của Thẩm Diên An, tổ chức chung tại quán Sáu Lượng. Đằm thắm và thân ái, bởi hai tác giả đều điềm đạm theo phong cách nhà giáo. Tập Hoàng Quý bìa tối, tập Thẩm Diên An bìa sáng, hắc bạch song toàn!

Khi Ngó Lại Đời Mình của Vũ Ngọc Giao, là một bất ngờ đối với tác giả. Anh em Nha Trang bí mật làm tập thơ của Giao và mời anh ra chơi. Có những giọt nước mắt cảm xúc của kẻ giang hồ. Tập này mở đóng bằng hai bài của Quốc Bảo và Đàm Hà Phú, hai cái nhìn khác nhưng đầy thương yêu trân trọng đối với Giao.

Thơ Trả Nợ Bia của Lư Sơn Cuồng Từ tổ chức tưng bừng tại quán Thôn Việt trong khung cảnh thôn dã, nhà tranh tre, vườn cây quả (giá cả ở đây hơi mắc à nghe!). Lần đầu tiên có hai lẵng hoa mừng. Hơn hai mươi bằng hữu cùng khách mời, vui trong tiếng đọc thơ của tác giả và từng anh em, tiếng tấu Tráng Sĩ và Tên Cướp của Phù Trầm, tiếng ngân nga Hồ Trường của Phượng Hồng, tiếng ngâm giọng thơ Huế của Trường Linh Giang, tiếng guitar hòa lẫn những tiếng hát bạn bè. Bia Tiger không sánh nổi chai rượu đế thiệt bự trong vắt thơm lừng tuyệt ngon của tác giả mang về từ tận xứ Hóc Môn.

3.
Nhớ mang máng, Lý Bạch sắp-kèo-rượu-tương-tiến-tửu: Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch/ Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh.


Một số "xuất bản" phẩm.
Một số "xuất bản" phẩm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét