Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Kts Đặng Cước

Một số thông tin liên quan đến công trình Hoa Biển

13/03/2006, 15:58 [GMT+7]
° Các bước chuẩn bị:
Thông báo của UBND tỉnh về kết quả xét chọn các giải thưởng, trong đó có tên KTS Nguyễn Ngọc Dũng với tác phẩm Hoa Biển (giải B).

Ngày 9-5-2002, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức cuộc họp thông qua quy hoạch Quảng trường 2-4, Nha Trang với sự tham dự của các sở, ngành liên quan. Tiếp đó, ngày 17-5-2002, UBND tỉnh có Thông báo số 212, thông báo về ý kiến kết luận của UBND tỉnh về việc thông qua quy hoạch Quảng trường 2-4, Nha Trang. Thông báo nêu rõ: Quảng trường 2-4 là công trình có ý nghĩa chính trị, văn hóa quan trọng. Để đáp ứng yêu cầu trên, cần tổ chức cuộc thi với nội dung về quy hoạch chi tiết Quảng trường 2-4 và tượng đài. Chính vì vậy, UBND tỉnh giao cho Sở Xây dựng chủ trì tổ chức cuộc thi nói trên.
Nhận được ý kiến chỉ đạo này, ngày 30-5-2002, Sở Xây dựng mời Sở Văn hóa - Thông tin (VH-TT), UBND TP. Nha Trang, Hội Kiến trúc và Hội Xây dựng Khánh Hòa, Công ty Môi trường đô thị và các kiến trúc sư (KTS) chủ chốt trong lĩnh vực nghiên cứu thiết kế, quy hoạch của tỉnh họp bàn thống nhất nội dung cuộc thi để trình UBND tỉnh. Sau khi bàn bạc, hội nghị đã thống nhất một số nội dung chính trong việc triển khai tổ chức cuộc thi.
Ngày 6-6-2002, Sở Xây dựng đã có tờ trình số 727 gửi UBND tỉnh, trong đó nêu rõ chủ đề về Khánh Hòa - Nha Trang, do các tác giả tham gia đề xuất. Sở VH-TT chịu trách nhiệm nội dung thi biểu tượng để xét chọn. Phương án vật liệu xây dựng: Đề nghị dùng vật liệu cao cấp. Tờ trình còn đề xuất kinh phí cho cuộc thi, mức thưởng cụ thể cho các tác phẩm đoạt giải.
Sau khi được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả gửi thư mời trực tiếp các kỹ sư, đơn vị thiết kế uy tín trong và ngoài tỉnh tham gia cuộc thi. Ngoài ra, UBND tỉnh còn có quyết định thành lập Hội đồng xét chọn với 16 thành viên gồm lãnh đạo tỉnh, TP. Nha Trang, đại diện các sở, ngành liên quan…
° Giải thưởng được trao cho tác phẩm được chọn:
3 tác phẩm được giải: nhóm KTS Ngô Toàn (hình nàng tiên cá), nhóm KTS Nguyễn Ngọc Dũng (Hoa Biển) và nhóm KTS Trần Thanh Cường.

Sau 4 tháng phát động cuộc thi, Ban tổ chức đã xét chọn sơ bộ 5 tác phẩm có số điểm cao nhất gồm: Phương án của KTS Đặng Cước, phương án của nhóm KTS Trần Thanh Cường, phương án của nhóm KTS Ngô Toàn, phương án của nhóm KTS Nguyễn Ngọc Dũng.
Ngày 28-10-2002, UBND tỉnh chủ trì cuộc họp thông qua 5 đồ án quy hoạch nói trên. Riêng đồ án của nhóm KTS Nguyễn Ngọc Dũng, sau khi nghe người đại diện trình bày nội dung đồ án (ông Dũng vắng mặt vì lý do công tác), ý kiến tham gia của các thành viên dự họp, ông Trần Minh Duân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã kết luận: Căn cứ vào kết quả chấm điểm của Hội đồng, đề nghị Sở Xây dựng tiến hành trao giải cho các tác giả theo quy định. Riêng đồ án của tác giả Nguyễn Ngọc Dũng sẽ bố trí mời tác giả trình bày với Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xem xét chi tiết. Để hoàn chỉnh đồ án, đề nghị tác giả nghiên cứu thêm một số vấn đề có liên quan sau: Giải trình rõ giải pháp trồng cỏ kết hợp với sân beton trên Quảng trường; giải trình cụ thể phương án chọn của khối tượng đài ; cần thể hiện rõ mặt tiền của Trung tâm Văn hóa và khu vực phía Đông Quảng trường…
Tiếp đó, ngày 20-11-2002, UBND tỉnh có Thông báo số 531, thông báo kết quả tuyển chọn như sau:
Giải A: không có. Giải B (20 triệu đồng) có 3 phương án: Nhóm KTS Ngô Toàn, nhóm KTS Nguyễn Ngọc Dũng, nhóm KTS Trần Thanh Cường. Giải C (10 triệu đồng): KTS Đặng Cước.
Ngoài ra, Ban tổ chức còn hỗ trợ cho 3 phương án của các nhóm KTS: Nguyễn Ngọc Đà, Lê Phan Tú, Phan Văn Đáng (mỗi phương án 3 triệu đồng).
Như vậy, thông tin cho rằng phương án của nhóm KTS Nguyễn Ngọc Dũng không có giải thưởng nhưng vẫn được chọn xây dựng là không chính xác.
Sau khi nghe tác giả Nguyễn Ngọc Dũng trình bày phương án của mình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định chọn phương án này để thực hiện trên cơ sở chỉnh sửa, bổ sung một số chi tiết cho phù hợp. Ngay sau đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo địa phương, ban ngành đương chức để hoàn thiện phương án.
Còn vì sao 2 tác phẩm còn lại không được chọn? Qua tìm hiểu của giới chuyên môn, tác phẩm của KTS Ngô Toàn thể hiện một con thuyền đang lướt sóng và hình ảnh cô gái như nàng tiên cá. Tác phẩm này được xem là thể hiện được chủ đề về biển nhưng lại mang dáng dấp cổ điển. Trong khi đó, tác phẩm của nhóm KTS Trần Thanh Cường chỉ dừng lại ở mức độ ý tưởng kiến trúc, hạn chế lớn nhất là công trình được xây dựng ở ngoài biển.
° Đẽo cày giữa đường:
Số phận các biểu tượng của một đất nước cũng không hề đơn giản. Khi xây tháp Eiffel không ai nghĩ sau này sẽ là biểu tượng của nước Pháp. Lúc đó, không ít người đã lên án, xem đó là “đống sắt gỉ của nước Pháp”.
Số phận của tác giả nhà hát Opera Sydney nước Úc còn bi thảm hơn. Trong lúc xây dựng công trình này, Joern Utzon, KTS người Đan Mạch đã bị nguyền rủa thậm tệ, người ta xem tác phẩm của ông là quái thai của nước Úc. Thế nhưng, công trình này lại được trao giải công trình kiến trúc mang tính biểu tượng nhất trong thế kỷ XX.
Trở lại với công trình Hoa Biển, việc có ý kiến khen chê là chuyện bình thường. KTS Trần Thanh Cường nói: “Cái khó của công trình này là nằm ở vị trí trung tâm, đập vào mắt mọi người nên chẳng khác nào đẽo cày giữa đường. Tác phẩm của tôi không được chọn là chuyện bình thường, vì thực tế mới chỉ là ý tưởng kiến trúc mà thôi”.
Trao đổi với các doanh nghiệp tham gia tiếp nhận hoàn thiện công trình Hoa Biển, anh Vũ, một thành viên trong Ban lãnh đạo Công ty TNHH Hòn Tre tâm sự: “Nếu đi lấy ý kiến đóng góp của mọi người thì chẳng khác nào đẽo cày giữa đường. Tốt nhất nên để cho các nhà chuyên môn thẩm định, đánh giá”. Và có lẽ, thời gian sẽ là vị giám khảo chính xác nhất, công tâm nhất để đánh giá giá trị nghệ thuật của công trình. Chúng ta hãy chờ xem.
QUỐC KHÁNH
;

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét